Sayonara Shinsengumi - Giã biệt anh hùng

Những tay kiếm mạnh như quỷ thần dưới lá cờ thêu một chữ “Thành”.





SAYONARA SHINSENGUMI

Thông tin chung:

Tên khác:
月明星稀
月明星稀―さよなら新選組
Getsu Mei Sei Ki
Getsu Seiki
Getsumei
Goodbye, Shinsen-gumi
Ketsu Meiseiki

Tác giả: MORITA Kenji
Thể loại: seinen, hành động, lịch sử, võ thuật, phiêu lưu
Số tập: 10
Tình trạng: kết thúc
Năm: 2003
NXB chính thức: Shogakukan
Tạp chí: Young Sunday
NXB chính thức tại Việt Nam: NXB trẻ, tựa Giã biệt anh hùng

Đọc online:
bản tiếng Anh

Nhận xét về tình trạng xuất bản:
Bộ truyện được nhà xuất bản trẻ biên dịch khá tốt, lời văn suôn sẻ, trôi chảy. Truyện in trên giấy dày, cứng, trắng; mực đậm và rõ. Giá: 15k/q

Nhận định riêng:

Shinsengumi, hẳn những ai từng đọc qua Kaze Hikaru đã quá quen thuộc với cái tên này. Là họ, nhóm samurai nổi danh cuối thời Mạc Phủ, những con người chiến đấu vì lòng trung thành. Nhưng Shinsengumi trong Sayonara Shinsengumi được thể hiện ở một góc độ khác với Kaze Hikaru. Vẫn họ, những tay kiếm mạnh như quỷ thần dưới lá cờ thêu một chữ “Thành”, vẫn đội phục màu lam nhạt như cơn lốc giữa kinh đô, nhưng lần này, câu chuyện về cuộc đời họ được khai thác ở một khía cạnh thật hơn, đầy suy tư, trăn trở và tăm tối. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Hijikata Toshizou, người đã tạo ra một Shinsengumi vang danh thiên hạ.


Hijikata sinh năm 1835 tại Tama, trong một gia đình tương đối khá giả. Sớm có chí nguyện trở thành võ sĩ, năm 17 tuổi, anh theo Kondou Isami lên Edo theo học kiếm thuật của dòng Thiên nhiên lí tâm. Tại đây, anh gặp Okita Souji, một trong những thành viên nền tảng của Shinsengumi. Còn Kondou và Hijikata – như chúng ta đều biết – sau này trở thành cục trưởng và phó cục trưởng Shinsengumi, hai con người sẽ lưu danh nhóm này vào lịch sử.


Chiến hạm của Châu Âu, sự hiện diện của con tàu này đã làm xôn xao dư luận xã hội Nhật thời ấy

Bầu không khí lịch sử thế kỉ XIX tại xứ Phù Tang được thể hiện sinh động qua bàn tay tài hoa của Morita sensei. Nét vẽ trong truyện đi theo lối tả thực, các nhân vật nam có tạo hình tương đối góc cạnh nên khó có thể nói là đẹp. Tuy nhiên phái nữ, mà xuất hiện chủ yếu là các nàng Geisha, lại được thể hiện với những nét mềm mại, tạo vẻ dịu dàng, bé nhỏ và có phần phụ thuộc. Tô bóng trong truyện tương đối đơn giản, chia rõ mảng sáng, tối.


Hijikata lúc trẻ

"Nhân chi sơ tính bổn thiện", câu nói này đặc biệt tương ứng với Hijikata, tâm hồn con người sinh ra vốn như một tờ giấy trắng, nhưng theo thời gian, xã hội vấy lên tờ giấy ấy những vệt màu, và bản chất của họ cũng dần dần thay đổi. Hijikata, anh cũng từng một thời diu dàng và mơ mộng, nhưng dịu dàng và mơ mộng không thể tạo ra sức mạnh, thứ cần thiết nhất để thay đổi thời thế. Hijikata tự bắt bản thân mình thay đổi, lạnh lùng hơn, tàn nhẫn hơn, xảo quyệt hơn, anh trở thành quỷ, “con quỷ sống nhờ mơ ước của người khác”, nhưng cũng chính con quỷ ấy đã tạo ra những đội viên thép cho Shinsengumi.


Hijikata Toshizou, phó cục trưởng Shinsengumi

Cũng không thể không nhắc đến Kondou Isami, cục trưởng, và cũng là linh hồn của Shinsengumi. Có thể nhiều lần bắt gặp ông đọc Tam Quốc Chí, và òa khóc khi đến đoạn có Quan Vân Trường. Ông là con người trung thành, trọng nghĩa, hệt như Quan Công thứ hai, nhưng đó cũng là điểm yếu chết người của ông. Vậy nên, bên cạnh Kondou hiền lành luôn là một Hijikata sắc sảo và tàn nhẫn.


Cục trưởng Kondou Isami

Một nhân vật khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ lên Hijikata chính là Sakamoto. Hắn không tự nhận mình là samurai, vậy nên không bị ràng buộc bởi những quy định cứng nhắc của võ sĩ. Hắn có đầu óc sắc sảo và hợp thời, cùng lối suy nghĩ phóng khoáng. Ngay cả Hijikata đã không ít lần ấn tượng trước lối suy nghĩ của Sakamoto, chính anh đã có lần thừa nhận: “Nếu ta gặp hắn trước anh Kondou, hẳn chúng ta đã có thể đi chung một con đường”. Có thể nói, Sakamoto là mẫu người tiêu biểu cho tư tưởng Duy tân.


Sakamoto

Sau hơn hai trăm năm thanh bình, nước Nhật đã trở nên quá đỗi thối nát, nó cần một làn sóng mới, một sự thanh lọc và thay đổi. Đáng tiếc thay, Shinsengumi lại là bước cản lớn nhất cho sự thay đổi ấy. Nhưng bỏ qua những đúng sai của lịch sử, chỉ riêng cách họ sống thôi, mỗi thành viên Shinsengumi đã xứng đáng là một vị anh hùng.


Samurai cũng là con người như bao người khác, cũng có thất tình lục dục, mưu cầu hạnh phúc và mong muốn được yêu thương, vậy điều gì khiến họ trở nên khác biệt? Câu trả lời không nằm ở thanh kiếm bên hông hay gia huy trên áo, mà quan trọng nhất, họ là những con người dám sống vì chết vì niềm tin và lí tưởng. Đấy chính là lí do khiến Shinsengumi, dù chỉ là một tập hợp thường dân, thương nhân nhưng lại có khí chất võ sĩ hơn hẳn đám người tự nhận là samurai nhưng chỉ biết cưỡng bức dân lành.


Tinh thần võ sĩ đạo là thứ không dễ gì hiểu được, đôi lúc nó cứng nhắc đến vô lí, tàn nhẫn đến bất nhân nhưng lại tỏa ra khí tiết ngay cả trời xanh cũng phải cảm động. “Đạo” ấy là thứ Shinsengumi tin tưởng, là thứ chi phối bản thân mỗi người họ, “đạo” ấy khiến mọi người ngưỡng vọng và kính phục. Võ sĩ đạo là thứ tàn bạo nhưng cao quý, đáng sợ nhưng đẹp đẽ, mãi tỏa sáng cho ngàn đời sau.


Samurai, những con người bừng nở như cánh hoa anh đào, để rồi rời cành trước khi tuổi xuân trôi qua hết, bởi vì:

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”


Lisa

1 nhận xét: