Tuyết dẫu có vấy bẩn, thì vẫn là tuyết…
SHIN ANGYO ONSHI
Thông tin chung:
Tên khác:
新暗行御史 (しんあんぎょうおんし)
신암행어사
Ám Hành Ngự Sử
Árnybíró (Hungarian)
Angyo Onshi
Blade of the Phantom Master
Le nouvel Angyo Onshi
Phantom Master: Dark Hero from Ruined Empire
SAO
Tác giả: Youn In-wan
Họa sĩ: Yang Kyung-IL
Thể loại: Hành động, phiêu lưu, seinen, bi kịch, siêu nhiên
Độ dài: 17 vol
Tình trạng: completed
Năm: 2001
NXB chính thức: Shogakukan
Tạp chí: Sunday GX, Young Champ
Tại VN: NXB Trẻ (tựa: Ám hành ngự sử, đã kết thúc)
Tóm tắt:
Chuyện kể rằng, ngày xa xưa, ở một đất nước tên là Jushin, có một chức quan gọi là Ám hành ngự sử, những người đi khắp nơi cứu độ dân lành và trừng trị những lãnh chúa độc ác. Jushin bị sụp đổ một cách bí ẩn. Và Munsu, một vị ám hành ngự sử, vẫn rong ruổi trên đường thực hiện lý tưởng, và truy tìm kẻ đứng đằng sau sự sụp đổ của đế quốc này...
Nhận định riêng:
Bản thân tôi trước giờ vốn không hứng thú mấy với manhwa, tuy nhiên Shin Angyo Onshi đã khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ. Nếu bạn muốn tìm một manhwa thực sự chất lượng, thì tôi tin Shin Angyo Onshi (SAO) nói riêng, và các tác phẩm của bộ đôi Youn In-wan, Yang Kyung-il sẽ làm bạn bất ngờ.
Art style:
Tại sao tôi lại đặt Art style của SAO lên đầu tiên? Bởi đó là điều tôi ấn tượng đầu tiên khi đọc nó. Thực vậy, SAO là một bộ truyện tranh có thể mua đơn thuần chỉ vì nét vẽ. Tỉ mỉ, chi tiết, background và thiết kế nhân vật đều đẹp và hài hoà. Có lẽ do nhắm đến thị trường Nhật bản, nên nét vẽ của SAO chịu nhiều ảnh hưởng của manga shounen Nhật Bản.
Nhưng điều đó vẫn chưa hết. Trong SAO, có thể nói câu chuyện được kể bằng mặt hình ảnh của nó còn nhiều hơn từ ngữ. Hình ảnh, cách chia khung kết hợp với kết cấu truyện thành một thể thống nhất, chính vì thế mà kịch tích được đẩy lên rất cao, góp phần khiến người đọc cảm thấy nghẹt thở trước sự căng thẳng của câu chuyện. Gần như đang xem một bộ phim, mà những góc máy cận cảnh hay lia ngang, sáng tối, tất cả đều là một phần không thể thiếu tạo nên tiết tấu căng thẳng đặc biệt của truyện.
Những tác phẩm có nét vẽ đẹp thì không ít. Tuy nhiên, có thể kể chuyện bằng hình ảnh và kiểm soát tiết tấu bằng hình ảnh chặt chẽ đến thế thì không nhiều.
Cốt truyện: Đâu chính đâu tà?
Cốt truyện của SAO căng thẳng ngay từ những phút đầu tiên, và sự căng thẳng ấy kéo dài từ đầu cho đến cuối câu chuyện. Đọc SAO, tôi cảm thấy như đang rơi vào một thế giới mà thật giả chính tà đều không phân định rõ được. Thế nào là đúng và thế nào là sai? Thế nào là thiên thần, thế nào là ác quỷ? Đâu mới là sự thật? Tôi nghĩ, người đã đọc SAO không thể quên được khung tranh khi Aji Tae đối mặt trực tiếp với Munsu. Một khung tranh sẽ khiến tôi nhớ mãi. Rốt cuộc đứng trước mặt ta, kẻ có nụ cười sáng bừng và kẻ đen sạm đi trong nỗi căm ghét gần như cay độc kia, ai mới chính mới tà? Ai mới là ác quỷ?
Và Aji Tae, kẻ cho rằng “từ đầu đã không có tốt xấu hay thiện ác.”
Sự đối đầu của hai hệ tư tưởng đối nghịch nhau hoàn toàn ấy tạo nên sự căng thẳng như dây đàn của câu chuyện. Và đó là điều khiến tôi thích thú ở cốt truyện của SAO: Tôi có thể nhìn thấy, xuyên qua sự hỗn độn của thế giới giông bão này, một sợi chỉ đỏ lấp lánh cột chặt các tình tiết và số phận lại với nhau.
Thực sự chính tà có thực không, hay như Aji Tae nói, tất cả chỉ là câu chuyện của lòng tin, và sự yếu đuối của con người. Trong SAO, tôi đã chứng kiến rằng sự yếu đuối lẩn tránh sự thực có thể là chỗ dựa cho lòng tin. Nhưng sự thật dẫu tàn nhẫn đến đâu cũng là sự thật. Và nếu không dũng cảm đối mặt với sự thật, thì ta chỉ mê dài trong một giấc mộng bạc nhược. Như đứa trẻ trên hòn đảo chỉ toàn người chết. Như cô gái với giấc mộng về cuộc tình không thực. Hay như chính Won Hyo, Won Sul, bạn chiến đấu của Munsu, trước Aji Tae.
Suốt cuộc hành trình và suốt cuộc đời mình, Munsu đã luôn lay tỉnh những con người ấy khỏi giấc mộng bạc nhược. Vì sự thật dẫu tàn nhẫn đến đâu cũng là sự thật. Một thiên đường xây dựng trên một giấc mộng dối trá chỉ là lớp phấn son trên gương mặt người chết. Và khi ta đã có dũng cảm rời bỏ ảo tưởng của mình, ta có thể sẽ thấy như Munsu: Tuyết vẫn là tuyết dẫu nó có vấy bẩn, và khi đó mới có đủ sức mạnh đối mặt với sự thật.
SAO mở đầu bằng một chương khiến chúng ta phải hoài nghi rằng liệu chính tà có lẫn lộn chăng? Nhưng kết cục của nó vẫn khẳng định niềm tin của Munsu: chính là chính và tà vẫn là tà. Tuyết vẫn là tuyết, dẫu nó có vấy bẩn, mặc dù thế giới giông bão này có hỗn độn và hoang mang đến chừng nào đi nữa.
Tuy vậy, cốt truyện của SAO vẫn có một số điểm đáng phàn nàn. Gây tranh cãi nhất chính là kết thúc của nó. Một kết thúc bỏ dở quá nhiều và thực ra… chưa lý giải được gì mấy. Nhiều nhân vật xuất hiện, mâu thuẫn bí ẩn chồng chất rồi tất cả kết thúc quá chóng vánh. Có người cho rằng đấy là một cái kết phù hợp, có người cho rằng đó là một kết thúc quấy quá sơ sài không xứng đáng với tầm vóc của truyện. Thực lòng tôi lấy làm tiếc. Đùa một chút thì không hiểu đó có phải thói quen của bộ đôi này hay không, mà các truyện của họ, ví dụ như Island, thường có kết thúc vội vàng.
Tuy nhiên, cốt truyện của SAO, nhìn tổng thể, vẫn là một cốt truyện chặt, có tư tưởng xuyên suốt, căng thẳng và thú vị.
Nhân vật:
Trong SAO, không có type nhân vật chính tà phân minh.
Số lượng nhân vật của SAO rất nhiều, và trong đấy có nhiều nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc. Có lẽ không thể quên được nhân vật chính: Munsu. Ngay từ những chap đầu, một hình tượng phản-anh hùng như hắn khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nói một cách vắn tắt, thì hắn hiện lên như một gã quái dị, một tay “cao bồi” có cách sống và suy nghĩ kì quặc, hành động lưu manh và côn đồ, và hoàn toàn không đoán định được. Tuy nhiên, tính cách nhân vật này dần dần đi vào chiều sâu ở những chương sau. Dần dần người đọc hiểu ra, con người này không hề là một kẻ theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân ngay từ đầu. Hắn đã là một vị tướng, và khả năng dẫn dắt mọi người đến thành công của hắn chính là điều khiến hắn trở thành một vị tướng. Một cái nắm tay khích lệ trên chiến trường có thể khiến thuộc hạ vùng dậy giành thắng lợi cuối cùng, đó là cái tài của một vị tướng biểu hiện qua một chi tiết nhỏ vậy.
Và điều gì đã xảy ra khiến người tình chung thuỷ, vị tướng tài năng, người bạn chân thành ấy trở thành một cái bóng của chính anh ta trong quá khứ? Ghê gớm thay cho Aji Tae. Nhưng sâu thẳm trong Munsu hôm nay, kẻ lữ hành cô độc và bất cần, vẫn luôn thấp thoáng hình ảnh của con người ngày trước. Như một cái cây mà cội rễ đã bắt chặt xuống đất sâu, bản chất của con người không thay đổi.
Tuyết vẫn là tuyết, dù nó có vấy bẩn.
Những nhân vật xoay quanh Munsu đa dạng và có chiều sâu. Chiều sâu ấy thể hiện cả những góc tối trong lòng nhân vật. Một Won Sul mạnh mẽ mà yếu đuối, yêu kính vị tướng hết mực. Một Gye Wol Hyang yếu đuối về thể chất nhưng mạnh mẽ và tràn đầy sinh khí. Một Hae Mo Su- Aji Tae?- toan tính và khó hiểu… Aji Tae, đặc biệt là Aji Tae, sẽ còn là một nhân vật phản diện kì lạ và khó hiểu nhất tôi từng gặp. Aji Tae tin tưởng vào một thứ triết lý hay ho, nhưng những hành động thật quá kinh tởm. Một nhân vật phản diện gần như tuyệt đối che phủ cánh đen lên khắp số phận nhân vật. Hạnh phúc, tình yêu hay tham vọng chỉ là trò chơi để y đạt được mục đích cuối cùng. Rốt cuộc, Aji Tae và Hae Mo Su có phải là một? Rốt cuộc y là cái gì? Và tin vào điều gì?
Thế giới của SAO là thế giới của những con người đang phập phồng thở. Những số phận chồng chéo lên nhau, và cả những con người chỉ xuất hiện một lần cũng có thể làm ta nhớ mãi.
Chỉ tiếc rằng tác giả đã kết thúc quá vội vàng, một số nhân vật chưa được phát triển đầy đủ. Và ChunHyang, diễn biến tâm lý của cô bé này, dẫu sao tôi vẫn thấy có gì không ổn…
Sự vận dụng truyền thuyết:
SAO là một manhwa sử dụng khá nhiều truyền thuyết Hàn Quốc. Có lẽ cũng bắt đầu từ mục đích của tác giả là giới thiệu văn hoá nước mình cho độc giả Nhật Bản. Các truyền thuyết, truyện cổ tích, và thậm chí là nhân vật lịch sử có thật, được sử dụng khá nhuần nhuyễn. Có khi giữ nguyên bản, như truyện cổ tích về hai mẹ con và con hổ, hay thay đổi theo hướng không ngờ tới, như Pyeonggang và Ondal.
Đó có lẽ cũng là một thành công của SAO, và cũng là một điều khiến chúng ta cần suy nghĩ. Không chỉ là minh hoạ những câu chuyện truyền thuyết, cái chúng ta cần, là người nghệ sĩ phải biết thổi vào những truyền thuyết xưa cũ ấy một nguồn sinh khí mới, có thể khiến người đọc, dẫu đã quen thuộc, lại một lần nữa rung động trước vẻ đẹp của câu chuyện cổ, như cách kể giản dị và chân thành về câu chuyện cổ tích về con hổ hiếu nghĩa.
Lưu ý:
Có một điều tôi thực sự cần lưu ý người đọc SAO. Rating của nó là hoàn toàn nghiêm túc, và nếu bạn dưới mười sáu tuổi tôi không recommend nó cho bạn dù với bất cứ giá nào. Sự căng thẳng nhập nhằng của cốt truyện, chứ không phải là những tình huống hental và violence, là điều khiến nó không phù hợp với người đọc nhỏ tuổi hoặc chưa đủ khả năng tiếp nhận những cốt truyện dạng này.
Trường Thanh
ai up link on truyen nay de~
Trả lờiXóaminh doc truyen nay rui hap dan cuc nhung dung la ket hoi chan .chang mun munsu chet ti nao ca hichic
Trả lờiXóatroi dat sao ko ra chap' nhi~truyen nay` hay ne` ra link di ban oi
Trả lờiXóaMunsu có chết đâu, ko thấy đoạn có một người đưa huy hiệu lên à :D
Trả lờiXóacái này hìh như bên comic.vuilen.com có...
Trả lờiXóaở VN phát hàh thiếu 1 tập :(...hjx
bo nay full roi, tap cuoi coi buon we
Trả lờiXóacuoi cung chet ca dam bun kinh khung T__T
Trả lờiXóacha ra cai ji ca
Trả lờiXóamot cai ket tuyet hao cho mot anh hung. Khong co cai ket nao dang de cho ta nho mai ve munsu nhu vay
Trả lờiXóaRiệng 2 tập 16,17 hình như có vài vấn đề nên in tên sai be bét cả Aji Tae thì thành Aji Tac. Hyuan thì thành Huany, Banja thành Bangja v...vv...Hơi khó chịu nhưng thôi kệ sưu tầm dc full là tốt rồi :) .Suy cho cùng thì đây là 1 bộ truyện rất đáng đọc và suy ngẫm. Tui bỏ cả tháng để ngâm cứu và sưu tầm lại đấy TT__TT
Trả lờiXóa