Hễ ngồi cạnh người yêu, nhất là khi ôm hôn, đụng chạm, Phan lại thấy đau tức “chỗ ấy”. Cơn đau tăng dần và lan ra xung quanh, cảm giác như bị ai đá vào chỗ hiểm vậy.
Đó là câu chuyện của Phan, sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa. Phan có bạn gái từ năm thứ hai đại học và thường có những buổi hẹn hò lãng mạn vào cuối tuần.
Hạnh phúc, nhưng Phan lại có một điều lo lắng không dám nói với ai, đó là hễ ngồi bên cạnh người yêu, đặc biệt là khi ôm hôn, đụng chạm, cậu lại có cảm giác đau tức cơ quan sinh dục dù hai người chưa bao giờ làm “chuyện ấy”.
Cơn đau lúc đầu ít, sau đó tăng dần về cường độ và bắt đầu lan ra xung quanh, cảm giác như là bị ai đá vào chỗ hiểm vậy. Chả thế mà có lần đang rất tình tứ với bạn gái, Phan bỗng quay ra ngồi ôm bụng, chẳng nói chẳng rằng khiến cô gái giận dỗi đứng dậy xỏ dép về thẳng, mà Phan không biết giải thích thế nào.
Ngay cả khi xem những bộ phim có cảnh nóng, cảm giác đau này cũng xuất hiện và Phan rất lo lắng không biết mình có mắc bệnh gì không, có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay bản lĩnh đàn ông trong tương lai không. Nhưng cậu lại xấu hổ chưa dám đến gặp bác sĩ.
Bị vợ sắp cưới nghi là… gay
Thành Công, 29 tuổi, làm việc cho một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội, cao to, đẹp trai và đầy nam tính. Công có người yêu đã ba năm và dự định tổ chức đám cưới vào mùa thu này. Thế nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi khi gần đây, bạn gái Công nghi ngờ chồng sắp cưới là … gay. Chính Công cũng đang hoang mang vì tình trạng bệnh khó nói của mình, không biết giải thích thế nào cho bạn gái hiểu và để giải nỗi oan kia.
Cũng như Phan, hễ ngồi cạnh hay ôm hôn bạn gái là Công lại thấy đau tức dương vật và cả vùng bụng dưới, đến mức anh không thể chịu đựng được mà phải bỏ bạn gái ra. Thời gian đầu, thấy Công chỉ hơi… nồng nhiệt một chút là dừng lại ngay, Thu rất cảm động nghĩ người yêu biết kiềm chế để giữ gìn cho mình đến tận ngày cưới. Vì thế trong suốt ba năm yêu nhau, hai người chưa bao giờ đi quá giới hạn. Nhưng đến lúc chuẩn bị cưới rồi, dù được người yêu “bật đèn xanh”, Công vẫn không “tiến tới” hế khiến Thu nghi anh là gay.
Chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng, cho biết hiện tượng đau dương vật, vùng xung quanh dương vật hay bụng dưới khi có yếu tố kích thích trên thực tế không hiếm gặp. Đây không phải là biểu hiện của bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng cơ năng rất bình thường, gọi là một dạng đau sinh lý. Ở nhiều nam thanh niên chưa trải qua quan hệ tình dục, nếu có yếu tố kích thích như ôm ấp, âu yếm bạn gái làm hưng phấn tình dục lên cao nhưng lại bị kiềm chế, không được thỏa mãn thì dễ dẫn đến đau tức tinh toàn và phần thân dương vật.
Điều này có thể được giải thích như sau: Khi có kích thích, máu sẽ dồn vào thể hang của dương vật, làm cho dương vật cương cứng lên. Khi hưng phấn tình dục lên đến đỉnh điểm thì người con trai sẽ có nhu cầu xuất tinh.
Nếu phải cố kiềm chế, dồn nén, không được thoả mãn, khí huyết bị ứ trệ bên trong. Những kích thích cũng kéo theo sự co thắt các cơ ở cơ quan sinh dục, dẫn đến cảm giác đau tức.
Đây là một dạng đau sinh lý, cơ học, thường chỉ đau nhẹ, lâm râm. Mức độ căng tức, đau chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (một vài giờ). Nếu được giải toả hoặc nghỉ ngơi, thư giãn thì cơn đau sẽ biến mất, vì thế không cần phải quá lo lắng.
Theo bác sĩ Hưng, hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở những người có cơ địa nhạy cảm, nhu cầu sinh lý mạnh mẽ, những người bị dồn nén nhiều trong một thời gian dài… Do cơ địa và khả năng đáp ứng đối với các kích thích khác nhau nên có người thấy đau, có người không.
Khi chưa có quan hệ tình dục, nam giới thường giải toả trạng thái căng thẳng tình dục này bằng cách thủ dâm, hoặc chính cơ thể tự điều chỉnh bằng hiện tượng mộng tinh để giải phóng phần “năng lượng” dồn nén, lấy lại cân bằng cho cơ thể.
Chỉ cần lưu ý đối với những người cố chịu đựng, không có thói quen “tự giải quyết” và cơ thể vì một lý do nào đó cũng không tự điều hoà được. Họ có thể bị một số bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục do sự tích tụ, ứ đọng các tế bào già cỗi, đã chết lẽ ra được đưa ra ngoài nhưng vẫn bị “kẹt” bên trong cơ thể.
“Nếu sự đau tức dương vật, tinh hoàn kéo dài liên tục ngay cả khi không có hưng phấn tình dục, kèm theo những dấu hiệu bất thường khác như đi đái dắt, đái buốt, tinh hoàn sưng, nóng, đỏ… thì mới cần đặc biệt quan tâm vì có thể đây là dấu hiệu có bệnh ở cơ quan sinh sản, phải đi khám ngay”, bác sĩ Hưng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét