Côn trùng đã qua chế biến được bày bán trong những xe hàng rong ở Thái Lan. Ảnh: TL |
Dùng côn trùng làm thực phẩm thay thế cho cá thịt là một trong các hướng mà những chuyên gia của tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc (FAO), đang nghiên cứu một cách nghiêm túc, nhằm bảo đảm an toàn lương thực trong các thập kỷ tới. FAO đang soạn thảo các khuyến cáo nhằm chính thức khuyến khích các quốc gia thành viên “duy trì và phát triển” việc ăn côn trùng để có thể nuôi sống chín tỉ người sống trên trái đất vào năm 2050.
Côn trùng: nguồn đạm lớn
Theo nhiều chuyên gia, ăn côn trùng có nhiều điểm lợi. Trước hết, giá trị dinh dưỡng của côn trùng rất lớn vì chúng chứa nhiều đạm, lipit, các chất khoáng (kẽm, sắt), các sinh tố, lắm khi nhiều hơn thịt hay cá: chẳng hạn 100g châu chấu cho 26,3g đạm, trong khi 100g thịt bò chỉ cho 20,2g.
Chẳng những thế chúng còn có năng suất cao hơn gia súc truyền thống. Arnold Van Huis, nhà côn trùng học thuộc đại học Wageningen (Hà Lan) giải thích: “Để sản xuất 1kg thịt bò phải cần đến 10kg cỏ trong khi chỉ cần chưa đến 2kg cỏ cho các loại côn trùng có thể ăn được”. Hơn nữa, côn trùng không cần nhiều nước. Trong khi đó, theo FAO, hiện nay 70% diện tích đất có thể canh tác và 9% nước của thế giới được dành cho chăn nuôi. Chưa kể chăn nuôi chịu trách nhiệm về việc thải ra 18% các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.
Không những có rất nhiều trong tự nhiên, côn trùng lại rất dễ nuôi, bởi vì chúng có thể sinh sôi trong các không gian khép kín (sự khép kín này cho phép đề phòng các ô nhiễm có thể xảy ra). Côn trùng có thể trở thành một thứ “gia súc mini”.
Một tiềm năng khác của “gia súc mini” là dùng chúng để nuôi gia súc lớn và cá. Dù ít được biết đến, lối làm này đã được áp dụng ở Pháp cho đến những năm 1980, trên hai bờ sông Saône. Nhiều thử nghiệm lạc quan khác được thực hiện trong một số trại nuôi heo.
Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm của Lào, ông Paul Vantomme (FAO) nhận định: “Nuôi côn trùng không những có thể cung cấp cho chúng ta thực phẩm mà còn tạo thêm việc làm ở nông thôn”.
Dẹp chướng ngại tâm lý
Khó khăn phải giải quyết là người ta sợ ăn côn trùng. Romain Garrouste, nhà côn trùng học ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên (Paris), nhận xét: “Có một sự chối bỏ trong vô thức tập thể. Côn trùng thường bị xem là bẩn thỉu, lúc nhúc, truyền nhiễm bệnh tật, phá hoại mùa màng”. Thực ra, nhiều loại côn trùng rất hữu ích (như cho việc thụ phấn hay làm cho đất đai màu mỡ) và là một yếu tố quan trọng của hệ sinh thái.
Các chuyên gia hy vọng việc ăn côn trùng sẽ phát triển ở phương Tây. Theo họ, tất cả chỉ là một vấn đề tâm lý: “Chỉ cần nếm thử, rồi sẽ thích ăn”. Tại sao ruồng bỏ các côn trùng, khi người ta có thể ăn mật ong, ốc sên, ếch nhái hay ăn sò sống? Vào thời Cổ đại, người La Mã thích ăn sâu róm. Vả lại, dù ngoài ý muốn, hiện nay người phương Tây ăn mỗi năm 500g xác sâu bọ trong bánh mì, nước trái cây...
Do chướng ngại tâm lý nên chỉ có vài xí nghiệp nhỏ đang thử kinh doanh trong lĩnh vực này. Ở Anh, công ty Edible (www.edible.com) khai thác khía cạnh quý hiếm và lạ lẫm của các sản phẩm của họ chế biến với bọ cạp, kiến khổng lồ… Ở Hà Lan, công ty Bugs Organic Food bán ra thị trường các món ăn có trộn bột ấu trùng sâu. Các sản phẩm này tôn trọng các quy phạm y tế của Hà Lan.
Ở Nhật, công ty Tsukahara Delicacy bán 200g châu chấu với giá 1.050 yen (khoảng 12 USD). Công ty này sản suất mỗi năm 60% sản lượng châu chấu ở Nhật (7 tấn). Được xem là một thứ thuốc có nhiều tính năng, món ấu trùng ong trộn với mật ong bán khá đắt: khoảng 23 USD cho 80g.
Dù biết vẫn còn nhiều việc phải làm, ông Arnold Van Huis rất lạc quan về tương lai của việc “ăn trực tiếp hay gián tiếp” côn trùng. Ông hy vọng một hội nghị quốc tế đầu tiên về việc ăn côn trùng có thể sẽ được tổ chức vào năm 2012.
Nguyên Thanh (Paris) (Le Monde)(sgtt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét