Rút ví trả gần chục triệu đồng cho cái dây chuyền hàng hiệu, cậu trai chỉ hơi mỉm cười khi cô bạn gái thốt lên: “Ôi, anh chịu chơi chẳng kém gì… Cường đô la”.
Trước khi đến quầy nữ trang cao cấp này ở Vincom (Hà Nội), dường như cặp đôi tuổi teen đã “dạo qua” rất nhiều quầy hàng khác, bởi trên tay cô thiếu nữ là 4 – 5 túi giấy in thương hiệu các hãng thời trang, mỹ phẩm “quý tộc”.
Những “tiểu tử” thích làm đại gia
Sau khi nhờ người bán hàng đeo hộ cái dây mới, cô bé ngó vào gương một cái rồi mở một túi giấy, lấy ngay thỏi son bóng vừa mua quệt lên môi, nhướng mắt làm duyên rồi quay sang người yêu: “Xinh chưa? Anh tốn tiền cũng đáng nhỉ”.
Dạo qua những điểm mua sắm “đốt tiền” ở Hà Nội như Vincom, Tràng Tiền Plaza, Parkson…, có thể thấy khách hàng không chỉ có lứa tuổi đủ “cứng” để kiếm ra nhiều tiền, mà còn có không ít cô cậu tuổi học sinh, sinh viên. Cô H., nhân viên một quầy mỹ phẩm ở Parkson, cho biết rất nhiều lần, người trả tiền là những cậu trai mới lớn, đi cùng bạn gái. “Có hôm một cô bé chừng 16 tuổi dắt cậu bạn đến xem. Mình tư vấn nhiệt tình nhưng không nghĩ sẽ bán được, vì trông cậu con trai ăn mặc, đầu tóc rất bình thường, không có vẻ dân chơi hay giàu có gì. Khi cô bé chọn được mấy hộp kem dưỡng và phấn mắt, mình tính tiền gần 3 triệu đồng, cậu ta hơi giật mình, nhưng vẫn rút tiền trả ngay”, H. nói.
Những người có tuổi hoặc đang phải chật vật kiếm tiền thường không khỏi giật mình khi chứng kiến nhiều cậu trai tuổi đến trường vung tiền cho bạn gái, nhưng đây không còn là chuyện lạ ở các thành phố lớn. Ông Nguyễn Văn Hưởng, 69 tuổi, nhà ở Hà Nam, kể, cách đây ít ngày ông ra Hà Nội chơi nhà con gái, thấy cô cháu ngoại xin phép mẹ đi Nha Trang với một nhóm bạn cùng lớp nhân dịp 30/4, nhưng không được chấp nhận. “Nó hỏi, mẹ sợ tốn tiền chứ gì, khỏi lăn tăn, suất con thằng Long trả hết, cả hội ở resort hẳn hoi. Tôi hỏi, sao một thằng con trai lại trả tiền cho cháu. Nó nói, thằng ấy đang cưa cháu thì phải thế chứ, ông xem, cái điện thoại này cũng là nó mua đấy. Thằng bé đang đi học, chẳng hiểu lấy tiền đâu mà tiêu khiếp vậy”, ông Hưởng chép miệng.
Lý giải chuyện mạnh tay chi cho các nàng, Trần Tùng Lâm, 18 tuổi, nhà ở đường Phan Đình Phùng, Hà Nội, nói: “Bọn con gái bây giờ kinh lắm, không chi đẹp là chúng nó lảng ngay, chê là ki bo, hãm tài”. Khi bị “vặn” là rất nhiều cô gái khác không thực dụng như vậy, sao không chơi, cậu bĩu môi: “Bọn đấy xấu mà quê bỏ xừ”. Quả thật, trong phần lớn trường hợp, đối tượng của các “tiểu công tử Bạc Liêu” này đều là các cô bé “sành điệu dùng hàng hiệu”.
Muôn kiểu xoay tiền “bao gái”
Đứng trước “các em”, Phan Phong, học sinh lớp 12 một trường trung học ở quận Ba Đình, Hà Nội, gây choáng ngợp bởi kiểu tiêu tiền không cần đếm. Nhưng “các em” không biết rằng, người hùng này đã bao phen muối mặt với bố mẹ khi bị phát hiện rút lõi các cọc tiền trong tủ, hoặc “xoáy” đồ nhà đem cầm. Gia đình Phong giàu nên cho con tiền tiêu rất xông xênh, đủ để cậu lên mặt với các bạn gái, nhưng đôi lúc cô bạn mà cậu đang thiết tha theo đuổi gợi ý một món đồ quá đắt, hoặc Phong muốn gây ấn tượng mạnh cho nàng nên phải “kiếm” thêm.
Thật khổ cho những cậu có thói quen dùng tiền làm mờ mắt người đẹp nhưng lại không phải là “thiếu gia”, như Mai Văn Hiếu, sinh viên năm đầu một trường đại học dân lập ở Hà Nội. Chàng trai Hải Phòng này phải nghĩ ra đủ khoản chi để khai với bố mẹ, nào học tiếng Anh ở trung tâm cao cấp, nào học khiêu vũ, tập thể hình, nào khám chữa bệnh, thậm chí còn bịa chuyện mình thi hỏng phải “đi thầy”… Bố mẹ gửi tiền không đủ, nhưng đã được tiếng chịu chơi rồi, cậu đành vay tiền bạn để “giữ hình ảnh”. Thế mới có chuyện bà mẹ yếu tim của Hiếu khi lên thăm cậu quý tử mà bà nghĩ là đang miệt mài ôn thi, đã bị ngất xỉu khi một lũ bạn con hằm hè kéo đến đòi nợ, trong khi Hiếu vẫn đi chơi chưa về.
Cũng vung tiền cho các bóng hồng nhưng Nguyễn Hữu Việt, học sinh lớp 12 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, lại tự hào khoe: “Em tiêu bằng tiền mồ hôi nước mắt đấy. Em toàn bán máu”. Cậu tự giới thiệu mình là một game thủ có máu mặt, sau một thời gian miệt mài luyện game đã đạt trình độ kiếm được tiền nhờ bán các đồ vật ảo mình có, gọi là bán máu. Nhưng mẹ Việt tiết lộ: “Bán chác gì, chả bõ tiền chơi. Có lần nó khoe bán đôi kiếm gì đó được gần chục triệu, chả biết thật hay đùa, nhưng tiền nó chơi lâu nay phải gấp mấy lần chừng đấy, toàn lấy từ túi tôi”.
Cố gắng chịu bao phiền toái để được “xứng danh anh hùng” trước các người đẹp, những chàng trai tuổi teen này không nghĩ rằng trong mắt nhiều thiếu nữ, hình ảnh của họ không long lanh như họ tưởng. Thủy Liên, một bạn cùng lớp của Phan Phong, nói: “Giờ nó tiêu tiền không phải nghĩ, nhưng sau này đi làm, biết kiếm tiền khó như nào, nó sẽ hết vung vinh cho mà xem”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét