Vốn là phương tiện đi lại chính của phần lớn các học sinh sinh viên, tuy nhiên phương tiện này cũng đang là nỗi ám ảnh của khá nhiều người.
Gạ tình trên xe buýt
Là người thường xuyên đi lại bằng xe buýt, L.T.V (K51, Khoa Luật, ĐH Quốc gia HN) chia sẻ, V. thuê trọ cùng em gái ở đường Giải Phóng, đi học thường phải bắt xe buýt số 16 và 32. Bình thường đi lại không có chuyện gì, nhưng có một hôm V. đi học về quá trưa, lúc ấy trên xe cũng vắng người.
Thấy xe trống nên V. ngồi ngay hàng ghế gần cửa ra, tự nhiên một người đàn ông đang ngồi ở hàng ghế sau cùng chuyển lên ngồi bên cạnh. Lúc đầu V. nghĩ ông ta sắp xuống nên mới chuyển lên ghế gần cửa để tiện xuống xe. Nhưng đến bến sau cũng không thấy ông ta xuống.
Ngồi một lát, ông ta quay đầu sang phía V. bắt chuyện. Sau những câu xã giao gã đàn ông đó bắt đầu tỉ tê: “Anh mải đi làm ăn nhiều năm nay nên không có thời gian tìm bạn gái, bây giờ khi tiền tài đã đủ đầy lại thấy cô đơn. Em có dáng người cao ráo, con gái thời nay chân dài có giá lắm đấy”.
Ông ta nói rồi bắt đầu ngã giá. V hoảng sợ thật sự. “Với anh em không phải lo đâu, anh ổn sức lắm”. V. vội vàng xuống ngay ở điểm dừng tiếp theo. Nhưng trước khi V. xuống, hắn ta vẫn không buông tha: “Dáng ngon thế mà không làm cũng phí e ạ!”.
Thấy V. kể chuyện, HL - cô bạn học ĐH Luật HN, cũng run rẩy nhớ lại lần L. bắt xe buýt đi Bắc Giang để cùng một số bạn nữ trong nhóm về nhà một bạn chơi. Xe buýt hôm ấy chỉ toàn con gái và một chàng ngồi cuối xe. Anh phụ xe thì mải mê ngủ. L. và nhóm bạn mình cũng mải mê đùa nhau.
Đến khi xe chạy được một đoạn khá dài, anh chàng ngồi cuối xe tiến lại gần L. và nhóm bạn. Cô bạn L. hét lên, rồi đồng loạt mấy bạn nữa cũng hoảng hốt la lên. L. vẫn chưa hiểu gì cho đến khi nhìn xuống phía dưới quần… gã kia. Hắn đã cởi quần, lôi "của nợ" ra khoe...
Mặt hắn vẫn nhơn nhơn, thấy đám con gái hét lên hắn càng khoái chí. Sau này L. mới biết đấy là những gã mắc bệnh Kim La (một dạng con trai thích khoe "của quý" chốn công cộng). Tiếng hét làm anh phụ xe tỉnh dậy, anh xuống hỏi nhưng cả mấy cô bạn L. phần xấu hổ, phần hoảng hốt không nói lên lời. Chỉ líu ríu xin xuống xe, bắt xe khác đi tiếp.
Còn với N. T. N. sinh viên trường ĐH Thuỷ Lợi, thì câu chuyện mà N. gặp phải cũng không kém kinh hoàng. Mặc dù câu chuyện ấy xảy ra đã gần 3 năm, nhưng cho tới bây giờ, dù có đi xa đến mấy, N. cũng chấp nhận đạp xe chứ không dám đi xe buýt.
Nhiều nam sinh, nữ sinh cho biết họ đã từng bị quấy tình trên xe buýt. Ảnh VL
N. kể với giọng nhát ngừng như thể câu chuyện chỉ vừa mới xảy ra rằng: hôm đó trên chuyến xe buýt số 40 để về Hưng Yên thăm cô bạn thân, vì đã xác định đi đoạn đường dài, nên N. kiếm một chỗ ngồi ở hàng ghế cuối xe.
Đã yên ổn với vị trí ngồi, N. ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy sau khi thấy nhột nhột, N. phát hiện ra phía bên cạnh mình là một gã đàn ông đang trong tình trạng một tay hắn vòng... qua eo N., một tay đặt lên đùi, và hình như hắn đang thơm tóc N. nữa.
Thấy N. tỉnh dậy, hắn còn trơ trẽn buông một câu: “Em đẹp lắm!”. Lúc đó mặt N. không còn giọt máu, phải sau một phút hoàn hồn, N. mới đứng phắt dậy và hét ầm lên khiến tất cả mọi người đều đổ dồn con mắt về phía cuối xe.
Nam sinh cũng dính chưởng
Theo những nữ sinh thường xuyên đi xe buýt kể chuyện, thì trong quá trình đi xe, mỗi người trong số họ ít nhất một đến 2 lần từng bị “sàm sỡ” trên xe. Tuy vậy, cũng không hiếm trường hợp những nam sinh phải hoảng hồn về tình trạng này. N.H (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia HN) bức xúc kể: Cách đây ít lâu cậu em trai của H. vốn là người trắng trẻo và có gương mặt khá thư sinh bị một lần quấy rối khiến nó không bao giờ dám đi xe công cộng nữa.
Đó là năm đầu lên học đại học em trai H. đi xe buýt. Một buổi tối, nó về nhà hoảng hốt kể với H. chuyện ở trên xe, có tên không biết có phải gay không mà tìm mọi cách sán vào người cậu rồi ôm ấp. Sau đó hắn còn vờ ngã lên người cậu sinh viên rồi bắt đầu tán tỉnh.
Lúc đầu, em của H. không biết nhưng thấy hắn cố tình đụng chạm quá mức nên lảng tránh. Đến tận khi xuống khỏi xe buýt, tên gay kia vẫn không buông tha, cứ lẽo đẽo bám theo. Em H. lúc ấy vẫn chưa biết nhiều về gay nhưng cũng sởn hết gai ốc, cho đến khi gặp mấy bạn đang chờ em H. để cùng về, tên kia mới chịu buông tha.
N.T.H sinh viên K53 ĐH Xây dựng Hà Nội cũng dính chưởng trong một lần đang đứng chen chúc trên tuyến xe 21. H. phát hiện hình như có một bàn tay đang sờ lần phía gần dưới đũng quần mình, tưởng ai đó vô tình khi cố bám víu trên chuyến xe đông, H. dịch người lùi ra một chỗ khác. Nhưng không ngờ, một lúc sau, H. lại cảm nhận thấy bàn tay ấy. Lần này H. hoảng sợ thật sự khi quay sang, không ai khác chính là bàn tay của gã đàn ông mà theo H. thì hắn đã cố tình đứng cạnh mình ngay từ lúc mới lên xe.
Vốn đã nghe nói về những tên “gay” này, nên H. gạt mạnh tay gã kia ra rồi di chuyển về phía cửa xe để xuống xe ngay bến tiếp theo.
Biết, nhưng đành chịu
Theo lời kể chuyện của anh Ngô Văn H. tài xế trên chuyến xe 21 thì chuyện những nữ sinh bị quấy rối trên xe buýt xuất hiện từ khá lâu.
Tuy nhiên, hầu hết những câu chuyện này lại chỉ là những câu chuyện được rỉ tai của các bạn nữ, bởi phần lớn là do tâm lý e ngại, nên khi gặp phải chuyện này, các bạn thường tự mình giải quyết, hoặc là di chuyển sang vị trí khác. Một số bạn sợ quá sẽ tìm cách xuống xe ngay tại bến tiếp theo.
Trong quá trình chạy xe, thỉnh thoảng anh cũng chỉ nghe thấy tiếng hành khách kêu lên “đồ bệnh hoạn”, “đồ điên”… nhưng khi người của nhà xe xuống thì tên kia lại trở lại bình thường, không có biểu hiện gì của sự bệnh hoạn, vì vậy nhà xe cũng không có cớ gì để có thể nhắc nhở hay đuổi gã “bệnh hoạn” kia xuống xe.
Còn anh Lê B.T nhân viên bán vé cũng trên tuyến xe 21 thì cho rằng, trong những chuyện này hành khách phải biết tự bảo vệ mình, cũng như tài sản của mình. Bởi hầu như khi xảy ra những chuyện đó, nhà xe không thể làm được gì khác ngoài việc dàn xếp cho hành khách bị hại đến vị trí khác an toàn hơn.
Anh T. còn tâm sự thêm, trong quá trình đi bán vé, có khi anh cũng phát hiện ra những tên có biểu hiện lạ, giống như người ta vẫn gọi là “những kẻ bệnh hoạn”. Nhưng cũng không dám làm gì, bởi theo nguyên tắc, khách cứ có vé thì được lên xe, và nhà xe phải có trách nhiệm phục vụ. Hơn nữa bản thân nhà xe cũng không dại gì "rước về những phiền hà".
Bởi đôi khi, gặp phải những kẻ bình thường, nhưng đứng cạnh con gái thì nảy sinh ý định xấu, nếu thấy hành khách bị hại kêu lên, nhà xe xuống nhắc nhở thì không sao, nhưng nếu là những kẻ mắc bệnh thực sự, hoặc những tên nghiện ngập cố tình trêu ghẹo, phá quấy… thì ngay cả lái xe và nhân viên bán vé cũng sợ bị trả thù.
Và vì thế mà đã từ khá lâu nay, đối với những người sử dụng xe buýt như một phương tiện di chuyển chính, bên cạnh việc lo an toàn cho bản thân mình, cho tài sản có thể bốc hơi bất cứ lúc nào, hành khách lại phải âm thầm chống lại sự "quấy tình" của những kẻ “bệnh hoạn”, hay những kẻ cố tình dở trò để sau lúc xuống xe chúng cười hô hố chia sẻ thành tích với nhau và khoái trá tiết lộ với nhau kinh nghiệm đi những xe nào đông, giờ nào thì dễ “hành động”.
Theo k14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét