Khi teen dùng hạ sách... doạ dẫm

Để “đối phó” với người lớn, không ít teen sử dụng hạ sách... dọa dẫm. Dọa bỏ học, dọa đi bụi thậm chí là đòi tự tử và xem đó như là những công cụ “bảo vệ” mình mà không lường trước hậu quả về sau.

Đòi hỏi bằng cách... dọa bỏ học

“Bố mẹ mà không... con sẽ bỏ học”. Câu này có lẽ trở nên quen thuộc đối với nhiều cô cậu học trò có thói quen đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng yêu cầu của mình bằng. Việc “đại sự” như muốn mua sắm, đi chơi thì dọa cha mẹ là chuyện thường nhưng có người mắc bệnh nặng đến mức việc nhỏ như con thỏ cũng... dọa.


Nhịn ăn, đau ốm là những chiêu dọa dẫm của teen.



Hồi đầu năm, khi bố mẹ không đồng ý cho dùng di động vì không cần thiết, Hải, lớp 11 trường B.H đã nằm “ăn vạ” nhất quyết không chịu đến trường. Cậu tuyên bố: “Không có điện thoại con không dám vác mặt đến lớp”. Bố mẹ cậu chào thua, phải mua cho cậu chiếc điện thoại bình dân dùng tạm. Vậy nhưng, chỉ được một thời gian, Hải đã giẫm chân đành đạch đòi đổi điện thoại khác.

Bố mẹ Hải không chịu, lập tức Hải tung chiêu: “Thế thì con nghỉ học”. Cuối cùng, Hải vẫn là người thắng cuộc, không hề bận tâm đến sự chán chường của bố mẹ”.

Tuyết, trường N.L nói: “Dọa bỏ học á? Chuyện thường ấy mà. Muốn thứ gì mà ông bà không chịu thì cứ dọa đại đi. Cần thiết thì nghỉ vài hôm thì bố mẹ nào chả sợ”. Rồi Tuyết khoe mới đây, cô còn “lên đời” được cả chiếc xe LX thay cho chiếc Atila cũng nhờ “thủ thỉ” với mẹ: “Không có LX thì con bỏ học cho mẹ xem”.

Phạm lỗi = dọa đi bụi

Khi gây ra lỗi lầm, thay vì đối mặt để nhận lỗi nhiều teen lại chọn chiêu “khống chế” người lớn nhiều chiêu thức mà điển hình nhất là dọa bỏ nhà đi.


Phạm lỗi = dọa đi bụi


Hoảng hồn chưa biết giải quyết thế nào khi làm mất laptop của bố vì tội xách đến lớp khoe thì Hữu, lớp 12 của một trường ở Bắc Ninh được cậu bạn “quân sư”: “Sợ gì, cậu chỉ cần dọa đi bụi là ông bà sợ ngay”.

Thế là Hữu về tỉnh bơ thú tội mà không hề kèm lấy một lời xin lỗi. Bố cậu chưa kịp nổi giận, Hữu đã nhanh miệng “đỡ đòn”: “Bố mà đánh con, con đi bụi cho xem” làm bố mẹ cậu há hốc rồi cũng phải hạ giọng... cho qua.

Sau lần đó, cứ mỗi lần gây chuyện thì y như rằng Hữu lại lôi “bài ca đi bụi” ra. “Nắm đằng chuôi” nên có gây chuyện tày trời thì cậu vẫn “bình chân như vại”. Thậm chí những lúc trốn học chơi game, đánh bạn bè, nhiều người dọa mách bố, cậu ta còn xanh rờn: “Ừ, cứ mách đi, nói luôn với ông già là đây đi không trở lại nhé”.

Chẳng những dọa phụ huynh, có cô câu còn lếu láo dọa luôn cả giáo viên. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 một trường phổ thông ở Hà Nội kể, trong lớp cô có cậu học trò tên Luân thường xuyên bỏ học, đánh nhau. Cô đang định giao cho Ban giám hiệu xử lý thì cậu học trò này... “mặc cả”: “Cô mà báo trên trường thì... em bỏ nhà, bỏ trường đi cho cô xem”. “Việc học sinh dọa dẫm giáo viên không phải là ít, việc này có trao đổi với phụ huynh cũng không có tác dụng vì chính họ cũng bị dọa”. - Giáo viên này bày tỏ.

Chiêu “độc” dọa chết

Dọa đi bụi chưa đủ, có cô cậu còn nâng cấp bằng cách đòi tự tử. Chẳng biết họ có làm thật hay không nhưng nghe đến điều này thì ít có phụ huynh nào mà lại không... phát hoảng.

Bị bố mẹ nghiêm cấm yêu đương và hẹn hò ban đêm với anh chàng trên mình hai lớp, Thủy, lớp 11, trường ĐN đã đặt ngay một lọ thuốc chuột trước mặt bố mẹ tuyên bố: “Bố mẹ cấm con yêu anh ấy, con sẽ chết cho xem”. Tất nhiên, Thủy là người thắng cuộc. Dọa một lần thành quen, Thủy để luôn lọ thuốc chuột trong tủ quần áo của mình khi cần đối phó với bố mẹ là cô lôi ra ngay.


Dọa tự tử vì bị cấm yêu đương


Nực cười hơn, chuyện của một sinh viên năm thứ hai trường K “dọa chết” cuối năm ngoái vẫn được lan truyền như một giai thoại. Chả là nam sinh này bỏ học nhiều, không đủ điều kiện thi. Thế mà đến kỳ, cậu ta vẫn ung dung xách giấy bút đi thi như mọi người. Hỏi ra mới hay, cậu đến nhà thầy xin, thầy không đồng ý thế là cậu... lôi lọ thuốc sâu ra đòi uống. Các thầy đềy lắc đầu đều chịu thua.

Các chiêu thức trên của teen quả là rất xấu xí nhưng với bản thân họ cũng rất “lợi hại” nên nó vẫn như một loài virut đang lây lan nhanh. Một chuyên gia tâm lý tuổi teen cho hay, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ dùng chiêu “dọa” người lớn mà không biết rằng điều này gây ra nhiều hệ quả: “Như thế họ đang dung túng cho những hành động tiêu cực của bản thân nên càng dễ dàng hành xử sai trái. Họ không chỉ đẩy người thân vào tình cảnh khó xử mà sau này khi bước vào đời họ dễ bị nhụt chí khi đối mặt với khó khăn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét