Tớ thấy mình “quan trọng”...
Tớ chơi game online từ năm lớp 8. Game này “mê hoặc” tớ vì nhiều hình ảnh và chiêu đẹp. Nhưng quan trọng hơn, tớ được nhiều người (kể cả những người lớn hơn) “nể trọng” vì level cao và có nhiều đồ “độc”. Dù mọi chuyện chỉ diễn ra trong thế giới ảo, nhưng lần đầu tiên trong đời, một thằng nhóc 13 tuổi như tớ thấy mình “quan trọng” và tiếng nói có “trọng lượng” như thế nào...
Suốt mùa hè năm lớp 8, tớ dành cho game online. Trừ một tiếng ăn cơm, tớ “ngồi đồng” ở tiệm net từ 6 giờ sáng đến tối mịt.
Vào năm học, tớ có giảm cường độ lại, nhưng thời gian dành cho game cũng khoảng 6 - 7 tiếng/ngày. Tớ tìm mọi lí do để được chơi game. Có lần tớ bảo với mẹ là được nghỉ học để đi đá banh cho trường. Nhưng thật ra, đội tuyển trường tớ đã bị loại và cả ngày hôm đó, tớ đến tiệm net để... cày game. Biết chuyện này, mẹ tớ buồn lắm, nhưng vẫn không làm thay đổi được “đam mê” của tớ. Tớ vẫn tiếp tục “nghiện” game online cho đến hết năm lớp 10.
Lao đao vì... level cao
Chơi game nhiều, level tớ cũng cao hẳn lên, tiền “đầu tư” cũng nhiều hơn. Từ vài chục ngàn lên đến vài trăm ngàn/tháng. Tớ còn lấy cả tiền học để mua thẻ nạp chơi game. Ngồi mãi một chỗ, tớ trở nên ù lì, chậm chạp, lúc nào cũng mệt mỏi, bơ phờ, thiếu ngủ, thậm chí còn bị... nổi mụt ở mông nữa. Tớ đã biến thành một con người khác hẳn: văng tục, chửi thề, cãi vã với các game thủ khác để khẳng định “cái tôi”, “bản lĩnh” của mình. Có lần, do bắn thua, một cao thủ teen trong game Đ. đã hẹn tớ ra quán để “tranh tài cao thấp”. Chúng tớ đã đánh tay đôi, choảng ghế vào nhau loạn xạ... Hôm đó, nếu không được mọi người can ngăn, có lẽ chuyện đau lòng đã xảy ra...
“Cú sốc khiến tớ thay đổi”
Một lần, bị mẹ nhắc nhở vì chơi game quá nhiều, tớ đã gắt gỏng rồi nạt lại mẹ. Vừa buồn vừa giận, mẹ tớ (vốn bị bệnh) đã ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Tớ đã bị “sốc” thật sự. Cú sốc ấy khiến tớ quyết định phải cai game online bằng cách tìm niềm đam mê khác tích cực hơn. Vốn mê đàn guitar nên tớ quyết tâm chinh phục “món” này. Tớ lên mạng, tự mày mò học chơi guitar từ các trang web hướng dẫn. Và bạn biết không, cảm giác chơi được một bản nhạc thật sự còn tuyệt vời hơn khi cày level rất nhiều lần. Cảm giác ấy khiến tớ dần quên game online và hướng mình đến những hoạt động bổ ích khác như tham gia chương trình Học kì Quân đội, Quốc hội trẻ của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam.
Bây giờ, tớ vẫn còn cảm giác là “người quan trọng”. Nhưng không phải trong game online mà là trong cuộc sống thật, ít nhất là với mẹ tớ... Bởi mẹ luôn vui và khỏe mạnh từ khi tớ bỏ game online và sống có ích hơn.
***
Cũng như N.V.B, bạn T.T (lớp 10 trường Á Châu) cũng từng nghiện game. Bạn chơi game online từ năm... lớp 4 với mục đích ban đầu để thư giãn và luyện tiếng Anh. Nhưng rồi, khi chuyển sang chơi game T., bạn đã “nghiện” thật sự. Có ngày, bạn chơi đến 16 tiếng. Để có tiền “nuôi” nhân vật, T. nhận “cày thuê” cho bạn bè. Học lực của T. ngày càng giảm sút. Bạn cũng trở nên ít nói chuyện, xa lánh các hoạt động cộng đồng.Mọi chuyện chỉ thay đổi khi bạn tham gia chương trình Học kì Quân đội, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè. Bây giờ, T. chỉ còn chơi game khoảng 2 tiếng/ngày. Theo T, để từ bỏ được game online thì teen rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và xã hội, thông qua các chương trình thiết thực giúp trang bị kĩ năng sống cho teen.
***
Game online là một trong 4 “vấn đề” được bàn tán sôi nổi tại kì họp thứ 2 của Quốc hội trẻ (do Trung tâm thanh thiếu niên miền Namthuộc Trung ương Đoàn tổ chức) diễn ra sáng ngày 27/6 vừa qua.Trong “vai” các đại biểu quốc hội, teen đã đưa ra nhiều kiến nghị như đánh thuế nặng với các công ti game online, quản lí chặt chẽ các tiệm net, giáo dục ý thức cho game thủ, tạo nhiều sân chơi bổ ích cho teen, giảm học hè, tăng giờ học kĩ năng... Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đã dự và có lời khen các ý kiến thể hiện sự tự tin và trách nhiệm của teen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét